Massage Khiếm Thị Tuy Hòa


Người bán vé số mù viết thư động viên đồng nghiệp giữa mùa dịch

Anh Thương cho biết, những ngày qua, dù không có thu nhập, nhưng vợ chồng anh nhận được nhiều sự giúp đỡ, đặc biệt là khoản hỗ trợ 50 ngàn đồng/ngày. 

Anh Thạch Thảo Tâm Thương, 44 tuổi, quê Bến Tre, bị khiếm thị từ nhỏ, mưu sinh bằng nghề bán vé số hơn 21 năm nay. Hiện, anh đang ở trọ tại hẻm 405/6 đường Trường Chinh, Phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM.

Chị Lê Thị Lan Hương - vợ anh Thương làm nhân viên massage ở Quận 1 cũng bị khiếm thị như chồng. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, vợ chồng họ phải tạm nghỉ công việc đang làm hai tuần.

Mất thu nhập, cuộc sống trở nên khó khăn hơn, nhưng anh Thương vẫn lạc quan, xem đây là khoảng thời gian được nghỉ, cùng vợ chăm cô con gái 6 tuổi.

Anh Thương bị khiếm thị từ nhỏ
Người đàn ông quê Bến Tre cho biết, dù khiếm thị nhưng anh vẫn có thể đọc tin tức, dùng mạng xã hội… thông qua chương trình hỗ trợ đọc, viết cho người khiếm thị.

Ngày 1/4, việc cách ly xã hội bắt đầu được thực hiện, những người làm nghề bán vé số như anh Thương, làm nghề massage như chị Hương phải tạm nghỉ việc.

Trên trang cá nhân, anh Thương viết: '...Thủ tướng đã ra quyết định cho các công ty xổ số kiến thiết ngừng hoạt động từ ngày 1-15/4. Mình rất thông cảm và vui vẻ chấp nhận. Bởi vì khó khăn là khó khăn chung mà, đâu chỉ riêng ai?

Vì tình yêu nước, vì tình yêu nhân loại, sau đó là giữ cho gia đình bé nhỏ của mình, cá nhân mình, tuy là người khiếm thị, nhưng cũng xin được góp một phần sức mọn là tuân thủ theo lời của Thủ tướng: Không la cà đây đó để góp phần chống dịch được hiệu quả hơn.

Vợ chồng anh Thương cưới nhau được hơn 7 năm, kết quả tình yêu là cô con gái 6 tuổi.
Thật ra, mình đã nghỉ bán hơn một tuần nay rồi, từ khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khuyến cáo.

Các bạn bán vé số - đồng nghiệp của mình ơi! Mình biết các bạn buồn vì thất nghiệp lắm. Mình cũng như các bạn nè. Tiền nhà trọ sắp phải đóng tới nơi rồi, tiền sữa cho bé, rồi tiền ăn uống, ôi thôi đủ thứ là tiền. Mình cũng như các bạn thôi.

Nhưng thay vì buồn, chúng ta hãy vui vẻ chấp nhận. Hãy xem đây là cơ hội để chúng ta chung tay thể hiện tình yêu quê hương đất nước. Một con én nhỏ không thể làm nên mùa xuân, nhưng khi chúng ta chung tay lại thì mùa xuân sẽ đến.

Đất nước là quan trọng, cố gắng qua hết mùa dịch này rồi tiền bạc kiếm lại sau… Mình rất hy vọng sau cơn mưa trời lại sáng’.

Anh Thương cho biết, suốt 14 ngày qua, cả nhà anh tuân thủ những quy định của nhà nước là ở nhà, mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giữ vệ sinh nơi ở sạch sẽ.

Những ngày ở nhà, anh cùng vợ nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, giúp con gái 6 tuổi, đang học lớp 1 học bài.

Trên trang cá nhân, anh thường xuyên chia sẻ những hình ảnh của gia đình cùng nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, hai vợ chồng cùng xem cô con gái đầu lòng học bài và những tin tức về dịch bệnh.

Anh cũng cho biết, những ngày qua, dù không có thu nhập, nhưng vợ chồng anh được hàng xóm giúp đỡ, khi mớ rau nấu canh, khi gói mì tôm pha ăn giữa trưa. Các mạnh thường quân, phía ủy ban phường thì đến tặng gạo, mì gói, dầu ăn, nước mắm…

Mới đây, anh đã nhận được 50 ngàn đồng/ngày/người do Chính phủ hỗ trợ cho người bán vé số thất nghiệp mùa dịch do UBND Quận 1 trao, vì vợ chồng anh có hộ khẩu ở đây.

‘Rất ấm áp. Vậy là, vợ chồng tôi có thêm tiền mua đồ ăn, sữa cho con rồi’, anh Thương hạnh phúc nói.

Ông Nguyễn Đức Hiếu, Chủ tịch UBND Phường 14 (quận Tân Bình) thì cho biết, vợ chồng anh Thương là người ngụ cư tại địa phương, được hỗ trợ kinh phí bảo trợ xã hội hàng tháng. Trong những ngày dịch bệnh, chính quyền địa phương cũng chăm lo cho anh và những người khó khăn các nhu yếu phẩm như: gạo, mì tôm… giúp họ vượt qua thời gian khó khăn này.

Người khiếm thị ổn định kinh tế với nghề massage

Bằng sự chăm chỉ, ham học hỏi, nhiều hội viên Hội Người mù tỉnh đã có công việc ổn định, phát triển kinh tế với nghề massage – xoa bóp phục hồi sức khỏe.

Tại cơ sở massage “Niềm tin”, thuộc Hội Người mù tỉnh, khách hàng ngâm chân trong những thùng nước ấm được pha cùng thảo dược, sự thoải mái hiện rõ nên nét mặt thư giãn. Mỗi lượt khách sử dụng dịch vụ massage khoảng 40 - 90 phút. Suốt thời gian này, nhân viên massage phải đứng, liên tục thao tác công việc nhưng thái độ luôn niềm nở.

Nghề massage giúp người mù có công việc và thu nhập ổn định
Anh Nguyễn Thành Duy là người đã tham gia khóa học massage do hội mở lần đầu tiên và theo học nhiều khóa nâng cao về vận động xương khớp. Đến nay, anh là một nhân viên massage lành nghề với nhiều năm kinh nghiệm, thu nhập của anh từ 3 - 3,5 triệu đồng/tháng, đồng thời còn giữ vai trò hỗ trợ những bạn học viên mới ra nghề. “Có nghề để mưu sinh là hạnh phúc lớn với tôi. Công việc còn giúp tôi được trò chuyện nhiều hơn, hiểu thêm về cuộc sống", anh chia sẻ.

Hiện nay, nghề xoa bóp tẩm quất của người khiếm thị phát triển khá tốt. Hội thường xuyên mở các lớp đào tạo massage và trang bị thêm kiến thức, nâng cao nghiệp vụ tay nghề cho hội viên mù đang làm trong ngành. Các học viên còn được theo học các lớp nâng cao kỹ năng sử dụng chữ Braile, tiếng Anh trong giao tiếp, phục hồi chức năng về giao tiếp ứng xử, phòng chống lạm dụng tình dục trong hành nghề xoa bóp, nâng cao kỹ năng nghề xoa bóp.

Dịch vụ massage của người khiếm thị có nhiều ưu điểm, như giá cả phải chăng, phục vụ lành mạnh, tận tâm, chu đáo. Khách hàng thường tìm đến để thư giãn, chống stress, phục hồi sức khỏe hay chữa bệnh. Sự cần mẫn, chu đáo của họ khiến khách hàng hài lòng. Người tìm đến cơ sở ngày càng đông, nhất là thời điểm giao mùa. Mức thu nhập của người khiếm thị cao hẳn, người tay nghề cao, chịu khó được khách hàng tín nhiệm có việc làm quanh năm, thu nhập 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Nhiều học viên sau khi học “chín nghề” đã về quê nhà mở cơ sở massage. Trong hội, luôn nhắc đến tấm gương hai chị em Hồ Thị Khởi Nghĩa và Hồ Thị Thắng Lợi (thôn An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang). Hai chị em mù bẩm sinh do di chứng chất độc màu da cam từ người cha là chiến sĩ cách mạng. “Thuở chưa vào hội, cuộc sống của chị em tôi khá khó khăn, hầu như không làm được gì để kiếm sống. Sau này, có cơ may được gia nhập hội, bắt đầu học chữ Braille, rồi học nghề chăn nuôi, làm chổi, làm tăm, làm hương. Sau cùng, hai chị em lựa chọn gắn bó với nghề massage”, chị Khởi Nghĩa tâm sự. Cơ sở massage của chị Nghĩa và chị Lợi mở từ năm 2017, đến nay đã hoạt động ổn định, đem lại thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng cho mỗi người.

Có nhiều người Huế lại đem nghề massage lập nghiệp ở xứ người. Khi đã thạo nghề, cộng thêm số tiền dành dụm sau bao năm làm massage tại Huế, vợ chồng anh Trần Thiều, chị Mai Thị Kim Anh (huyện Phú Lộc) quyết định vào Đà Nẵng để mở cơ sở riêng. Chẳng những gây dựng sự nghiệp cho bản thân, hai vợ chồng còn tạo việc làm cho nhiều người khiếm thị các tỉnh Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quảng Nam với mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng/người. Chị Kim Anh cho hay: “Vợ chồng tôi có duyên với nghề massage nên giữ được “lửa” nghề. Vào Đà Nẵng, gặp được những người cùng cảnh ngộ, chúng tôi cũng tạo cơ hội để họ cùng làm chung”.

Ông Lê Văn Lộc, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho hay, đào tạo nghề là cách giúp người khiếm thị đi "xa" nhất, có cuộc sống ổn định. Bên cạnh việc đào tạo nghề massage từ trung tâm thì bản thân học viên cũng tự nghiên cứu, nâng cao tay nghề về phương pháp xoa bóp, bấm huyệt. Cơ sở, trang thiết bị máy móc được đầu tư khá tốt. Với vai trò quản lý Công ty TNHH MTV Niềm tin 17.4 có 3 cơ sở dịch vụ xoa bóp thu hút hơn hàng trăm lao động, hội đã tạo ra nguồn thu nhập khá ổn định cho các hội viên. Một số khác mở các tiệm massage từ nghề được đào tạo tại trung tâm, không chỉ tạo việc làm cho bản thân mà còn tạo việc làm cho nhiều người khác và là cơ hội để người khiếm thị hòa nhập với cộng đồng.

Tiếng cầu cứu của nhân viên massage khiếm thị

Để thỏa mãn nhu cầu của mình, những người có lối sống lệch lạc đã vô tình biến những cơ sở massage của những người khiếm thị trở thành điểm hẹn hò của họ.

Sinh ra không được may mắn, “cửa sổ tâm hồn” vĩnh viễn phủ bóng tối, nhưng họ vẫn cố gắng vượt lên mưu sinh bằng những nghề lương thiện. Oái ăm thay, công sức và nhân phẩm của họ đã và đang bị xâm phạm bởi các tệ nạn xã hội. Trong đôi mắt sâu thẳm của họ, lúc nào cũng rớm nước.

Nhân viên Khiếm thị đang massage cho khách
Nỗi lòng người khiếm thị

Trung tuần tháng 4, chúng tôi có mặt tại cơ sở massage A.D ở quận 10, TP.HCM. Sau khi thanh toán tiền vé xong, chúng tôi được hướng dẫn lên lầu 2 để nhân viên khiếm thị nam xoa bóp. Qua ánh đèn mờ mờ là những vị khách nam đứng choàng tay nhau và có những cử chỉ âu yếm, còn những người thanh niên đứng một mình thì luôn nở nụ cười chớp mắt đầy tình tứ. Chúng tôi đang phân vân, một thanh niên đon đả tiến lại “hình như gặp cưng ở đâu rồi, cho anh xin lại số liên lạc đi?”. Khi chúng tôi trả lời vài câu xã giao và từ chối…, thì nhân viên massage khiếm thị gọi chúng tôi vào phòng.

Thắc mắc về cử chỉ, hành động của những vị khách, anh nhân viên massage khiếm thị tên N. quê Đồng Nai cười, nói: “Chắc anh mới vào lần đầu, chứ 10 người nam vào đây là có 9 người “đam mê tửu sắc” của đàn ông rồi. Lần sau anh có đến thì mua vé vip cho an toàn. Khổ lắm anh ơi, có hôm mình đang xoa bóp cho khách, thì mấy ổng mở cửa vào sờ, mó nên bị khách đánh đòn. Mình làm cho khách giường bên này, 2, 3 ông ở giường bên cạnh tình tứ với nhau cùng một lúc là chuyện bình thường, thậm chí họ trốn vào nhà vệ sinh để quan hệ tình dục tập thể. Nên ở đây có một công ty dịch vụ phòng ngừa HIV xin đặt một thùng bao cao su và trả cho bà chủ mỗi tháng 300.000 đồng”.

“Vậy khách bình thường hay vào không?", “Khách bình thường ít vào lắm, dường như họ vào mấy chỗ có nhân viên nữ sáng mắt phục vụ, còn mấy ông này mục đích đến đây là để tìm bạn tình. Mấy ổng mua vé massage 50 ngàn thì mình hưởng được 15 ngàn cũng đỡ, nhưng ngược lại vào là mua vé xông hơi 30 ngàn rồi đi khắp các phòng để quấy rối nhân viên và khách”, nhân viên N. kể lại.

Còn anh Đ. quê ở Kiên Giang, cũng là nhân viên massage, trầm ngâm nói: “Mình không thấy đường, có những lúc đang ngủ thì mấy ổng lén vào giở trò, hoảng quá la lên thì mới chịu buông ra. Lúc mình massage thì mấy ổng cũng không để yên đâu, khách bình thường là thích đấm bóp lưng và tay chân cho đỡ mỏi, còn mấy ổng vào là nằm ngửa yêu cầu massage bụng và mở chiến dịch khơi gợi “massage gần” rồi cho tiền bo. Mình giải thích với họ là ở đây chỉ massage cho khỏe chứ không có làm mấy chuyện đó, những trường hợp quá đáng thì mình phải gọi chị chủ lên can thiệp. Chưa hết đâu, có những đêm khuya đang ngủ thì họ gọi điện thoại rủ rê  “Đi khách sạn với anh nha, giá bao nhiêu em nói đi?”, mình giải thích thế nào thì họ vẫn quấy rối, cuối cùng phải trả lời đại là “đi thì 2 triệu” thì họ mới chịu buông tha.

Anh Đ. là con út trong nhà có 5 anh em, bị cơn bạo bệnh “thập tử nhất sinh” cướp đi ánh sáng của đôi mắt, mọi suy nghĩ về tương lai sụp đổ, con đường học vấn ước mơ trở thành thầy giáo đã tan vỡ. Được sự an ủi gia đình, bạn bè, anh theo học khóa massage theo phương pháp y học cổ truyền dành cho người khiếm thị để sau này tự lo cho bản thân. "Những ngày mới vào làm gặp những ông khách sàm sỡ như vậy mình sợ lắm, nhiều lúc buồn quá ngồi tâm sự với mẹ, mẹ an ủi và khuyên về quê để sớm hôm gần với gia đình. Mình nghĩ nếu về quê thì biết làm gì. Người mù không đi bán vé số thì chỉ có nghề này là mưu sinh được”, anh Đ. chia sẻ.

Để thỏa mãn nhu cầu của mình, những người có lối sống lệch lạc đã vô tình biến những cơ sở massage của những người khiếm thị trở thành điểm hẹn hò của họ.

Nước mắt tủi nhục

Không chỉ các nhân viên massage khiếm thị nam kêu cứu, mà các nhân viên khiếm thị nữ cũng nấc nghẹn trong nước mắt, để kể lại những ngày tháng mưu sinh khắc nghiệt trong bóng tối của mình. Nhân phẩm của họ đã và đang từng ngày bị chà đạp, nhưng vì miếng cơm manh áo, họ đành cắn răng chịu đựng.

Kiếm được tiền đôi lúc phải đổi bằng những giọt nước mắt cay đắng
“Cuộc sống, công việc của người khiếm thị có lẽ là một bi kịch”, đó là những lời mà cô nhân viên M. quê ở Đồng Nai hiện đang làm ở cơ sở massage T.C ở quận Gò Vấp thốt lên. Khoác trên mình chiếc áo blue trắng trong ngành y cùng với cặp kính đen để che đi đôi mắt phủ đầy bóng tối. Lúc lên 3 tuổi, căn bệnh ban đã cướp đi vĩnh viễn ánh sáng của đôi mắt. Bố mất sớm, M. chỉ còn cảm nhận hình ảnh của mẹ mỗi khi áp tay bà lên mặt và nắm chặt bàn tay chai sạn của bà.

M. nói: “Mắt mù nhưng chân, tay vẫn lành lặn, nên cố gắng làm để tự lo cho bản thân, và gặp những người bạn đồng cảnh ngộ để chia sẻ với nhau về số phận. Làm nghề massage nó cũng cay nghiệt lắm, em không nhớ mình đã khóc hết nước mắt bao nhiêu lần. Ngày trước em làm khu vực Dầu Giây nhưng ít khách quá nên nghỉ, rồi đi bán vé số thì bị giật dọc và bị khách lừa lấy hết vé. Sau đó lên TP.HCM làm lại massage ở cơ sở T.B ở đường Lê Văn Thọ, quận Gò Vấp. Làm ở đó cơm thì tự túc, phòng trọ phải thuê bên ngoài, mỗi khi khách nam say xỉn vào là “quấy rối” đòi hỏi.

Hoảng quá em nghỉ rồi xin vào cơ sở massage P.T ở quận 10. Vào đây làm tuy thời gian không bao lâu, nhưng dường nhưđã nếm đủ sự khắc nghiệt trong cuộc đánh vật mưu sinh của người khiếm thị. Làm ở đây cũng phải thuê phòng trọ bên ngoài, 10 ngày được phát lương một lần, nếu nghe điện thoại trong giờ làm thì bị phạt 100 ngàn và giam điện thoại 10 ngày. Điều em sợ nhất là mỗi khi các vị khách có “máu 35” vào massage là đòi hỏi, sàm sỡ. Nhiều lúc tức quá, em khóc và giải thích với họ là mình không đáp ứng được. Họ không những không cảm thông với mà ngược lại đi ra cáu gắt với bà chủ là em làm khách không hài lòng... Thế là bao nhiêu lời trách móc từ chủ cho đến quản lý cứ dội vào mặt. Lúc đó chỉ biết thanh minh bằng những giọt nước mắt, và những câu nói trong tiếng nấc “không phải em làm không tốt, mà do khách đòi hỏi quá đáng, anh, chị không tin thì kiểm tra tay nghề của em đi”.

Anh Q. là người khiếm thị, hiện là thành viên của Hội người mù ở TP.HCM trải lòng: “Qua thông tin của những người bạn và học trò kể lại, thì tôi nhiều lần xâm nhập vào các cơ sở massage ở quận 12, quận Gò Vấp, Củ Chi, quận 11, và một số nữa ở Long Thành, Nhơn Trạch, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai, Đà Lạt thuộc tỉnh Lâm Đồng, dường như các nhân viên khiếm thị ở đây đã và đang từng ngày bị khách xúc phạm. Vì miếng cơm manh áo đè nặng, người mù muốn kiếm tiền bằng nghề chân chính. Họ không thấy đường, không chạy thoát nổi những cạm bẫy nếu ai đó cố tình. Xin mọi người đừng để những tệ nạn xâm phạm đến họ, hãy đem lại cho họ niềm tin và hi vọng trong cuộc sống”.